GIÁO HẠT PHƯƠNG LÂM


1. Thống kê
Giáo hạt Phương Lâm từ năm 1966 – 2013
Năm Giáo xứ Giáo họ/ Giáo điểm Linh mục Tu sĩ Giáo dân
Nam Nữ
1976 6 13 27.372
1986 6 4 9 76 69.133
1996 10 5 14 45 65.787
2006 12 5 18 54 81.123
2013 16 3 24 77 86.096
 
2. Quá trình hình thành và phát triển
Trước năm 1954, một số ít đồng bào dân tộc và người Kinh sống rải rác ở La Ngà, cây số 125, Đồng Hiệp, Phương Lâm... Năm 1956, dân cư nhiều nơi, đặc biệt là dân di cư toàn tòng công giáo từ Phát Diệm, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thanh Hóa... về khu vực xã Phương Thọ (quận Định Quán, tỉnh Long Khánh), thành lập Giáo xứ Phương Lâm.
Năm 1958, một số giáo dân xây dựng nhà nguyện Phú Lâm, đến năm 1960 Phú Lâm được nâng lên thành Giáo xứ. Năm 1963, thành lập Giáo xứ La Ngà tại phía Đông - Bắc cầu La Ngà. Năm 1965, chính thức thành lập Giáo hạt La Ngà (thuộc Giáo phận Sài Gòn). Đến năm 1966, Giáo xứ Định Quán được thành lập. Ngày 14.10.1965, Giáo phận Xuân Lộc được thành lập. Giáo hạt La Ngà gồm 4 Giáo xứ: La ngà, Định Quán, Phương Lâm và Phú Lâm. Cha Giuse Nguyễn Bá Thi tiếp tục được Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn bổ nhiệm làm quản hạt. Trong thời kỳ này, Giáo xứ Thọ Lâm được tái lập (15.6.1972). Ngày 17.3.1973, thành lập Giáo xứ Ngọc Lâm. Sau đó, năm 1974, Giáo xứ Kim Lâm được thành lập. Năm 1976, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng quyết định chia Giáo hạt La Ngà thành hai Giáo hạt: Túc Trưng và Phương Lâm.
Năm 1990 Giáo xứ Định Quán vinh dự thay mặt cho Giáo hạt tổ chức Lễ Truyền Dầu. Đến năm 1991, do tách huyện Tân Phú (cũ) thành hai huyện: Định Quán và Tân Phú, Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật quyết định chuyển Giáo xứ Định Quán về Giáo hạt Túc Trưng. Kể từ đây, địa bàn Giáo hạt Phương Lâm bao gồm toàn bộ huyện Tân Phú.
Do giáo dân đã quá đông lại xa nhà thờ, Đức Cha Phaolô Maria đã lần lượt quyết định thành lập thêm 5 Giáo xứ và 1 Giáo họ biệt lập: Gx. Bình Lâm (25.01.1989), Gx. Quang Lâm (31.01.1991), Gx. Trúc Lâm (10.6.1995). Các họ đạo vùng sâu vùng xa cũng được nâng lên thành Giáo xứ: Gx. Thạch Lâm (19.7.1990), Gx. Đồng Hiệp (29.6.1993). Từ Giáo xứ Phú Lâm, thành lập Giáo họ biệt lập Phú An (30.7.1997 - nay được đổi thành Giáo họ Xuân Lâm).
 
• Địa dư
Giáo hạt Phương Lâm gồm toàn bộ địa bàn 18 xã, thị trấn thuộc huyện Tân Phú, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đồng Nai. Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước, Nam giáp tỉnh Bình Thuận và huyện Định Quán, Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, Tây giáp huyện Vĩnh Cửu và Định Quán.
3. Tình hình nhân sự
 
Số Linh mục Chủng sinh Tu sĩ Ban hành giáo
24 2 77 1.122
 
4. Một số sinh hoạt tiêu biểu
• - Truyền Giáo
Từ năm 1998 đến nay, Giáo hạt tích cực thực hiện theo đúng đường hướng mục vụ của Giáo phận:
Củng cố và duy trì tốt các sinh hoạt đạo đức truyền thống, phát huy hoạt động của các đoàn thể, các giới. Nỗ lực trong sinh hoạt huấn giáo, không chỉ cho trẻ em mà còn cho mọi lứa tuổi, đặc biệt quan tâm đến các thanh niên nam nữ. Nhiều thành phần dân Chúa ngày càng tích cực tham gia công cuộc huấn giáo tại các Giáo xứ. Các cộng đoàn Giáo xứ tích cực hơn, giúp nhau sống chứng nhân bằng việc thực thi công bằng, bác ái, hiệp nhất yêu thương. Nỗ lực truyền giáo, cụ thể là các Giáo xứ khám phá và chăm sóc mục vụ những gia đình rối, ly thân, ly dị, khô khan, nhiệt tâm khơi gợi, đón nhận và hướng dẫn những anh em lương dân (năm 2013 có 190 tân tòng). Các Giáo xứ quan tâm thiết thực đến các “điểm truyền giáo” như Giáo xứ Đắc Lua (Gx. Phú Lâm), các vùng xa xôi (Giáo họ Xuân Lâm), Giáo họ 8, 9, 10, 11, 12 (Gx. Ngọc Lâm)... Đặc biệt là 3 điểm truyền giáo tập trung nhiều người dân tộc, đó là: dân tộc K’ho, Giáo họ La Hủ thuộc xứ Phương Lâm ; dân tộc Châu Mạ, khu vực Bon Gõ, thuộc xứ Quang Lâm; 2 dân tộc Châu Mạ và Stiêng, Giáo họ Tà Lài thuộc xứ Thạch Lâm.
• -Bác ái xã hội
Tích cực đẩy mạnh việc bác ái truyền giáo: như giúp xây dựng nhà tình thương, cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, giúp người nghèo đói, neo đơn, mở lớp học tình thương, các Giáo xứ xây dựng quỹ học bổng, giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học... đã được các Giáo xứ cách riêng và Giáo hạt cách chung đẩy mạnh để trở thành việc làm thường xuyên.
 
STT HOẠT ĐỘNG SỐ TIỀN CHIA SẺ SỐ NGƯỜI
1 Khuyến học 431.370.000 13.741
2 Phục vụ các bệnh nhân 182.551.000 1.093
3 Phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội 1.000.000 300
4 Xã hội hóa giao thông 1.640.000.000
5 Bác ái- từ thiện 626.144.000 31 hộ và 240
6 Xóa đói giảm nghèo 124.530.000 313
7 Công tác phát triển 1.600.000.000 89
8 Các công tác bác ái xã hội khác 271.980.000
9 Tổng cộng 4.785.024.000